angle-left null Kinh tế dữ liệu Châu Âu, hiện trạng và định hướng đến 2025
Trang chủ

22/11/2020 00:14

(data.gov.vn) Các nước Châu Âu đã sớm dự đoán được vai trò quan trọng của nền kinh tế dữ liệu và đã xây dựng cho mình một cách tiếp cận để xây dựng nền kinh tế dữ liệu. Tháng 9/2019, Ủy ban Châu Âu đã xây dựng một báo cáo nghiên cứu về vấn đề này trong đó có rà soát hiện trạng nền kinh tế dữ liệu của Châu Âu, đưa ra nhận định dự báo sự phát triển và đề ra một số định hướng trong các năm tiếp theo.

Dữ liệu là mạch máu của nền kinh tế và là động lực của sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Dữ liệu cũng là nguyên liệu đặc biệt không thể thiếu để phát triển các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ chăm sóc y tế đến môi trường, việc sử dụng dữ liệu tối ưu cũng có thể giúp giải quyết các thách thức xã hội khác nhau. Ví dụ, phân tích dữ liệu lớn có thể giúp các nhà khoa học phát triển các công cụ chẩn đoán y tế tốt hơn và các mô hình tốt hơn để dự đoán biến đổi khí hậu và thiên tai.
Kinh tế dữ liệu là khái niệm được đề cập đến bởi ba khía cạnh: thị trường về chia sẻ, trao đổi dữ liệu tạo ra các giá trị trực tiếp cho nền kinh tế dữ liệu; sự tác động gián tiếp của dữ liệu tạo nên hiệu ứng gia năng giá trị của nền kinh tế và tác động cộng hưởng của dữ liệu thúc đẩy các lĩnh vực có liên quan cũng được tính vào là một thành phần của nền kinh tế dữ liệu.
Tác động kinh tế của dữ liệu là rất lớn. Hầu hết các hoạt động kinh tế sẽ phụ thuộc vào dữ liệu trong vòng vài năm tới là điều có thể dự báo trước.
Các nước Châu Âu đã sớm dự đoán được vai trò quan trọng của nền kinh tế dữ liệu và đã xây dựng cho mình một cách tiếp cận để xây dựng nền kinh tế dữ liệu. Tháng 9/2019, Ủy ban Châu Âu đã xây dựng một báo cáo nghiên cứu về vấn đề này trong đó có rà soát hiện trạng nền kinh tế dữ liệu của Châu Âu, đưa ra nhận định dự báo sự phát triển và đề ra một số định hướng trong các năm tiếp theo. 
Số liệu về kinh tế dữ liệu tại Châu Âu:
Giá trị của nền kinh tế dữ liệu EU đối với 28 quốc gia thành viên được ước tính là 257 tỷ EUR vào năm 2014, hay 1,85% GDP của EU. Con số này đã tăng lên 272 tỷ EUR vào năm 2015, hay 1,87% GDP của EU (tăng trưởng hàng năm là 5,6%). Năm 2018 là 377 tỷ euro và dự kiến tăng lên 477 tỷ euro vào năm 2020 và 1,054 tỷ euro vào năm 2025 trong một kịch bản tăng trưởng cao dựa trên các điều kiện thích hợp đang có. Nếu các điều kiện chính sách và khung pháp lý cho nền kinh tế dữ liệu được đưa ra kịp thời, giá trị của nó sẽ tăng lên 643 tỷ EUR vào năm 2020, chiếm 3,17% GDP nói chung của EU.
Theo tổng hợp về hiện trạng và dự đoán kinh tế dữ liệu của Châu Âu sẽ đạt được như sau:
Giá trị của nền kinh tế dữ liệu 
Kinh tế dữ liệu đo lường các tác động tổng thể của thị trường dữ liệu đối với toàn bộ nền kinh tế.
+    2017: 338 tỷ €
+    2018: 377 tỷ €
+    Tăng trưởng từ 2017 đến 2018: 12%
+    Tỷ trọng kinh tế dữ liệu so với GDP của EU năm 2018: 2,6%
Dự báo:
+    2020: 477 tỷ €
+    Đến năm 2025: 1,054 tỷ €
+    Tăng trưởng từ năm 2020 đến năm 2025: 12%
+    Tỷ trọng kinh tế dữ liệu so với GDP của EU năm 2025: 6,3%
Giá trị của thị trường dữ liệu
Thị trường nơi dữ liệu số được trao đổi dưới dạng “sản phẩm” hoặc “dịch vụ” là kết quả của việc xây dựng dữ liệu.
+    2017: 65 tỷ €
+    2018: 71 tỷ €
+    Tăng trưởng từ 2017 đến 2018: 9,7%
Dự báo
+    2020: 78 tỷ €
+    Năm 2025: 142 tỷ €
+    Tăng trưởng từ năm 2020 đến năm 2025: 24,3%
Doanh nghiệp dữ liệu
Doanh thu của các doanh nghiệp dữ liệu có hoạt động chính là sản xuất và phân phối các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ liên quan đến dữ liệu số.
+    2017: 271 tỷ €
+    2018: 283 tỷ €
+    Tăng trưởng từ 2017 đến 2018: 4,2%
+    Tỷ lệ phần trăm của doanh nghiệp dữ liệu trong tổng số các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông năm 2018: 15%
Dự báo:
+    2020: 294 tỷ €
+    Năm 2025: 389 tỷ €
+    Tăng trưởng bình quân từ năm 2020 đến năm 2025: 5,7%
+    Tỷ lệ phần trăm của doanh nghiệp dữ liệu so với tổng số các doanh nghiệp trong năm 2018: 20%
Nhân lực về dữ liệu
Người lao động làm việc trong lĩnh vực liên quan đến thu thập, lưu trữ, quản lý, phân tích, diễn giải và trực quan hóa dữ liệu:
+    2017: 6,6 tỷ euro
+    2018: 7,2 tỷ euro
+    Tăng trưởng từ 2017 đến 2018: 8,4%
+    Tỷ lệ của các nhân lực dữ liệu (việc làm) trong tổng số việc làm ở EU năm 2018: 15%
Dự báo:
+    2020: 447 tỷ euro
+    Năm 2025: 1,054 tỷ €
+    Tăng trưởng từ năm 2020 đến năm 2025: 12%
Định hướng thúc đẩy kinh tế dữ liệu tại Châu Âu
1. Xây dựng một không gian dữ liệu chung
Để khai thác những lợi ích kinh tế và xã hội to lớn của cuộc cách mạng dữ liệu đang diễn ra, Liên minh châu Âu đang trong tiến trình tạo tạo lập một Không gian dữ liệu chung châu Âu – là một khu vực kỹ thuật số gắn kết cho phép phát triển các sản phẩm và các dịch vụ sáng tạo trên toàn EU dựa trên dữ liệu.
Không gian dữ liệu chung Châu Âu là sự tổ hợp của các thành phần bao gồm: cơ quan chính phủ; nền công nghiệp và khoa học dữ liệu. Với sự kết hợp này, Không gian dữ liệu chung Châu Âu có thể triển khai trên cơ sở các quy định chặt chẽ của Liên minh Châu Âu về bảo vệ dữ liệu cá nhân kết hợp với cơ chế thiết lập luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới. 

2. Sử dụng dữ liệu trong khu vực công để tạo sức mạnh cho nền kinh tế, kích thích sự đổi mới
Các cơ quan khu vực công ở Liên minh Châu Âu, như các cơ quan Chính phủ hay chính quyền địa phương đã và đang thu thập, lưu trữ một lượng lớn dữ liệu. Đây là một nguồn dữ liệu dồi dào đóng vai trò như là nguồn nguyên liệu có giá trị cho sự phát triển của nền kinh tế. Một số nguồn dữ liệu quan trọng có thể kể đến là như: dữ liệu thông tin không gian địa lý; số liệu thống kê; dữ liệu thời tiết... Khi nguồn dữ liệu này được đưa vào nền kinh tế, dữ liệu sẽ có vai trò:
+    Kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đổi mới: dữ liệu công cộng có tiềm năng đáng kể để sử dụng lại trong các sản phẩm và dịch vụ mới;
+    Giúp giải quyết các thách thức xã hội bằng việc phát triển các giải pháp sáng tạo như trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng hoặc giải các bài toán trong giao thông;
+    Trở thành một nguồn dữ liệu quan trọng cho sự phát triển của các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Bigdata - công nghệ đòi hỏi xử lý một lượng lớn dữ liệu đầu vào;
+    Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ( SME ) và các công ty khởi nghiệp sử dụng dữ liệu khu vực công để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Một số ví dụ điển hình: doanh nghiệp phát triển ứng dụng Thụy Điển Seapilot đã sản xuất bản đồ kỹ thuật số để dẫn đường dựa trên dữ liệu hải đồ từ các văn phòng giám sát thủy văn trên khắp EU. Công ty khởi nghiệp Cropti của Tây Ban Nha cung cấp khả năng quản lý trang trại hiệu quả hơn với ứng dụng Crop.live, nông dân được hỗ trợ xác định được sự biến đổi của các các cánh đồng từ đó giám sát được bệnh dịch nhờ vào việc sử dụng dữ liệu thời tiết của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.
3. Sự vào cuộc của liên minh Châu Âu thúc đẩy chia sẻ dữ liệu từ khu vực công
Liên minh Châu Âu đã ban hành chỉ thị về Dữ liệu mở khuyến khích việc tái sử dụng xuyên biên giới dữ liệu trong khu vực công vì lợi ích chung của nền kinh tế và đời sóng xã hội Châu Âu. Chỉ thị mới này giải quyết các rào cản, vướng mắc đang tồn tại về việc chia sẻ dữ liệu đồng thời cũng tạo một khung pháp cơ bản cho việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu của khu vực công. Sau khi được các quốc gia thành viên triển khai thực hiện, Chỉ thị sẽ thúc đẩy làm gia tăng số lượng dữ liệu từ khu vực công sẵn sàng mở ra và chia sẻ. Hầu hết dữ liệu khu vực công sẽ miễn phí hoặc sẵn sàng được chia sẻ với chi phí thấp. Dữ liệu cũng được chuẩn bị sẵn sàng để chia sẻ thông qua các giao diện lập trình ứng dụng và máy có thể đọc được. Điều này sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty khởi nghiệp có thể sáng tạo và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên dữ liệu công được cung cấp và tham gia mới vào thị trường.
Liên minh châu Âu cũng đã triển khai tài trợ xây dựng Cổng dữ liệu châu Âu. Cổng dữ liệu Châu Âu là một nền tảng công khai và chia sẻ dữ liệu từ khu vực công để cho các doanh nghiệp khai thác. Cổng dữ liệu hỗ trợ đa ngôn ngữ của các nước thuộc khối châu Âu. Cổng dữ liệu cũng cung cấp một trung tâm đào tạo về cách sử dụng, khai thác dữ liệu mở đồng thời cũng cung cấp các bài học kinh nghiệm, trường hợp sử dụng dữ liệu thành công lại ở châu Âu và các nước trên thế giới.
4. Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp để tăng trưởng, hiệu quả hơn mang lại nhiều giải pháp sáng tạo hơn
Lượng dữ liệu ngày càng tăng được tạo ra trong các quy trình hoạt động kinh doanh của các đoanh nghiệp. Dữ liệu đó đôi khi cũng có thể được tái sử dụng lại cho các doanh nghiệp khác mà không làm giảm chất lượng dữ liệu và không làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp. Dữ liệu có thể chia sẻ để hợp tác củng cố hoặc cải thiện các sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, các dữ liệu được sử dụng để luyện các máy học trong các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Do đó, việc tiếp cận và sử dụng lại dữ liệu của khu vực tư nhân tạo thành những nền tảng quan trọng hơn nữa trong chính sách của EU nhằm thiết lập Không gian dữ liệu chung châu Âu. Các công ty đang tham gia vào việc chia sẻ dữ liệu có thể đổi lấy lợi ích từ các dịch vụ được sinh ra hoặc có sự khuyến khích trong việc đóng góp. Tuy nhiên, hiên nay, việc chia sẻ dữ liệu vẫn đang ở trạng thái tiềm năng và có nhiều cơ hội triển khai mạnh mẽ hơn. Theo dự đoán, lợi ích kinh tế của việc chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có thể lên tới 1,3 triệu euro ở EU vào năm 2027.
Để thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp, Liên minh Châu Âu đã thực hiện một số giải pháp và ưu tiên chiến lược. Châu Âu đã tập trung vào dữ liệu thu được từ các các thiết bị Internet of Things ( IoT ) như thiết bị gia dụng thông minh và robot nhà máy được đã được kết nối với Internet. Vào năm 2018, EU đã công bố các nguyên tắc hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc truy cập và sử dụng dữ liệ; tiếp đó, làm việc với các ngành để phát triển thêm các nguyên tắc đó tùy theo tình hình cụ thể.
Ủy ban Châu Âu cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Chia sẻ Dữ liệu. Đây là một dịch vụ trực tuyến cung cấp hướng dẫn cho các doanh nghiệp quan tâm đến việc chia sẻ dữ liệu, bao gồm:
+    Bí quyết và hỗ trợ về các khía cạnh thực tế, kỹ thuật và pháp lý của việc chia sẻ dữ liệu;
+    Ví dụ thực hành tốt nhất;
+    Danh sách tự kiểm tra;
+    Các điều khoản hợp đồng mẫu để thực hiện chia sẻ dữ liệu.
5. Cung cấp dữ liệu của khu vực tư cho khu vực công vì lợi ích công cộng
Dữ liệu do các công ty nắm giữ có thể rất phù hợp để hỗ trợ xây dựng chính sách hoặc cải thiện các dịch vụ công. Ví dụ, việc sử dụng dữ để hỗ troự các cơ quan nhà nước phản ứng kịp thời với dịch bệnh, hỗ trợ quy hoạch đô thị tốt hơn, cải thiện an toàn đường bộ và quản lý giao thông, cũng như bảo vệ môi trường, giám sát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Ủy ban Châu Âu đã công bố các nguyên tắc hướng dẫn việc cung cấp dữ liệu khu vực tư nhân cho các cơ quan thuộc khu vực công theo các điều kiện ưu đãi để sử dụng. Các cơ quan cũng đã chỉ định một nhóm các chuyên gia độc lập để đánh giá các nguyên tắc này và cung cấp hướng dẫn cho các sáng kiến tiềm năng trong tương lai.
6. Đầu tư vào đổi mới và triển khai dữ liệu
Kể từ năm 2014, Liên minh châu Âu đã đầu tư khoảng 500 triệu euro vào đổi mới dữ liệu và đã làm việc cùng với các bên liên quan thông qua hợp tác công-tư về dữ liệu lớn để xây dựng một nền kinh tế EU năng động và cạnh tranh dựa trên dữ liệu.
Mối quan hệ đối tác công tư về dữ liệu lớn giữa Hiệp hội dữ liệu lớn và Ủy ban châu Âu tập hợp một hệ sinh thái đa dạng nhưng được phối hợp đồng bộ, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và trung tâm học thuật đến các dự án thí điểm và vườn ươm dữ liệu, nhằm phát triển công nghệ dữ liệu và thúc đẩy nền kinh tế dữ liệu.
7. Các dự án do EU tài trợ sử dụng dữ liệu để thúc đẩy đổi mới
Transforming Transport (EU tài trợ 14,6 triệu euro) là dự án khai thác dữ liệu lớn để chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và logistic, ví dụ như đường cao tốc và sân bay thông minh, di chuyển trong đô thị tích hợp đa loại hình vận tải, cơ sở hạ tầng đường sắt chủ động, phương tiện kết nối bền vững và cảng biển, tạo thành trung tâm logictics thông minh.
BigMediLytics (EU tài trợ 15 triệu euro) là dự án sử dụng công nghệ dữ liệu lớn hiện đại để đạt được năng suất đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách giảm chi phí, cải thiện kết quả của bệnh nhân và đồng thời mang lại khả năng tiếp cận các cơ sở y tế tốt hơn cho người dân.
8. Các sáng kiến sẽ triển khai trong tương lai
Là một phần của chương trình Châu Âu số được đề xuất mới cho các năm 2021-2027, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất đầu tư 2,5 tỷ euro vào Trí tuệ nhân tạo. Một tỷ lệ đáng kể của số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc phát triển các Không gian dữ liệu chung của Châu Âu trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm y tế, năng lượng, nông nghiệp, v.v. Không gian dữ liệu chung này sẽ tổng hợp dữ liệu từ khắp Châu Âu, cả từ khu vực công và từ các doanh nghiệp và cung cấp để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới Nguồn tài trợ từ chương trình Châu Âu số sẽ được bổ sung với các nguồn từ chương trình Horizon Europe để đầu tư vào công nghệ mới làm nền tảng cho nền kinh tế dữ liệu.
 

 


Tin xem nhiều

placeholder image

Các câu hỏi để kiểm tra mức độ an toàn khi chia sẻ dữ liệu